Covid 24h: Hà Nội kéo dài giãn cách, ca nhiễm ở TP HCM tăng lại

Ngày thứ 14 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, Hà Nội ghi nhận thêm 116 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc trong đợt dịch thứ tư lên 1.877. Những ngày qua số ca mắc mới trên địa bàn trung bình từ 50 đến 70 ca mỗi ngày, trong đó nhiều ca lây nhiễm cộng đồng, phát sinh tại các điểm nguy cơ cao như chợ đầu mối, siêu thị...
 
Chiều 6/8, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh ra công điện về việc tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 15 ngày, triển khai chặt chẽ hơn việc giãn cách xã hội theo nguyên tắc "người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình"; người dân "ai ở đâu ở đó" để đảm bảo khống chế sự lây lan dịch bệnh.

Phố Bà Triệu, Hà Nội ngày 24/7 - ngày đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Ngọc Thành.
Phố Bà Triệu, Hà Nội ngày 24/7 - ngày đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Ngọc Thành.
 
Tại các khu vực không có dịch, tức "vùng xanh", chính quyền Thủ đô yêu cầu người dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Tại các khu vực có nguy cơ, "vùng da cam", gồm các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, đơn vị, chợ, siêu thị, bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh..., chính quyền cơ sở phê duyệt phương án phòng chống dịch, chỉ cho hoạt động khi đảm bảo các quy định liên quan.
 
Đối với khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly, "vùng đỏ", chính quyền quyết định các biện pháp phong tỏa hoặc cách ly y tế với diện tích phù hợp; chủ động quyết định các biện pháp cao hơn đảm bảo khống chế dịch trong thời gian ngắn nhất.
 
TP HCM đã trải qua 68 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 và 16 tăng cường. Đợt giãn cách thứ 6 dự kiến kéo dài đến giữa tháng 8. Hôm qua, đô thị lớn nhất nước ghi nhận thêm hơn 4.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc trong đợt dịch thứ tư lên gần 114.000. Như vậy, sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới giảm thấp nhất trong 2 tuần - 3.300 ca vào hôm 4/8, số ca mắc mới tính theo ngày tại thành phố đã tăng trở lại.
 
TP HCM đang điều trị ca Covid-19 theo mô hình "tháp 5 tầng". Trong đó tầng một theo dõi F0 không triệu chứng, không bệnh nền. Tầng 2 điều trị F0 có triệu chứng và bệnh nền kèm theo. Tầng 3 tiếp nhận F0 triệu chứng trung bình và nặng. Tầng 4 điều trị F0 có bệnh lý nền nặng. Tầng 5 hồi sức chuyên sâu F0 nguy kịch.

Cư dân chung cư Giai Việt (quận 8, TP HCM) xếp hàng chờ tiêm vaccine tối 5/8. Ảnh: Hà An.
Cư dân chung cư Giai Việt (quận 8, TP HCM) xếp hàng chờ tiêm vaccine tối 5/8. Ảnh: Hà An.
 
Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Hữu Hưng, đến ngày 5/8, thành phố có 20 bệnh viện thuộc tầng 3, đang điều trị 4.385 F0; 15 bệnh viện thuộc tầng 4 điều trị 4.238 F0 và 4 bệnh viện tầng 5 điều trị 1.450 người. Ngoài ra, thành phố đang có 193 cơ sở cách ly F0 tại TP Thủ Đức và các quận huyện thuộc tầng một với 53.617 giường. 16 bệnh viện dã chiến thu dung thuộc tầng 2, đang tiếp nhận 23.305 người bệnh.
 
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi cho biết tầng 3 và 4, trong 5 tầng điều trị Covid-19, đang chịu rất nhiều áp lực; các bệnh viện 3 tầng cuối này gần như đã hoạt động hết công suất. Thành phố đang tập trung tổ chức lại và xem xét rút ngắn quy trình, nhằm có thêm không gian tiếp nhận điều trị bệnh nhân, nhất là sơ cấp cứu và cấp cứu. Ngành y tế sẽ liên thông các tầng này, nếu F0 ở tầng 3 chuyển nặng sẽ đưa lên tầng 4, 5; còn khi F0 ở tầng 5 đã được điều trị nhẹ hơn thì chuyển xuống tầng dưới.
 
Làm việc với các doanh nghiệp, sản xuất lương thực, thực phẩm chủ lực của TP HCM hôm qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo chống Covid-19 quốc gia cho rằng thành phố phải phòng, chống dịch thời gian dài nên có một số giải pháp chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, còn về lâu dài, không thể áp dụng các giải pháp giống nhau cho cả địa bàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) tại buổi làm việc ngày 6/8. Ảnh: VGP.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) tại buổi làm việc ngày 6/8. Ảnh: VGP.
 
Theo Phó thủ tướng, vấn đề quan trọng hàng đầu thời điểm này là phải duy trì được sản xuất và phân phối những mặt hàng thiết yếu nhất để phòng chống dịch như trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm và vận chuyển hàng hoá.
 
"TP HCM cần xem các doanh nghiệp này là nhóm ưu tiên đặc biệt vì họ đang lo miếng ăn cho người dân. Từ đó xây dựng các tiêu chí ứng xử đặc thù, chăm chút tốt hơn cho doanh nghiệp để họ vững tâm sản xuất, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng sản xuất bị tê liệt", ông yêu cầu.
 
Hôm qua, Bộ Y tế thông báo các đơn vị không đến nhận vaccine Covid-19 ở kho, triển khai tiêm chậm sẽ bị chuyển vaccine sang đơn vị khác và xem xét dừng phân bổ trong các đợt tiếp theo.
 
Trong ngày 6/8, cả nước ghi nhận 8.320 ca tại 42 tỉnh thành. Trong đó, 6.834 ca phát hiện ở khu cách ly, phong tỏa, còn lại đang điều tra dịch tễ (giảm 76 ca). Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 189.422, ghi nhận ở 62 tỉnh thành. TP HCM vẫn là vùng dịch lớn nhất nước với 113.976, tiếp đó là Bình Dương 23.547, Long An 9.024, Đồng Nai 6.596...

Cập nhật: 07/08/2021 2:56:22 CH Lượt xem: 1255
Chat trực tuyến